Các xét nghiệm sức khỏe cần thực hiện khi đến tuổi trung niên | Medlab Việt Nam

Các xét nghiệm sức khỏe cần thực hiện khi đến tuổi trung niên

Những bất ổn về sức khỏe có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi bạn bước vào tuổi. Để bảo vệ sức khỏe chính mình, người trung niên cần tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm để sớm phát hiện những bất ổn tiềm ẩn, từ đó có cách khắc phục kịp thời và hiệu quả. Hãy cùng xem đâu là những xét nghiệm bạn cần thực hiện khi đến tuổi trung niên nhé.

Tuổi trung niên thường kéo theo những nguy cơ về sức khỏe

Tại sao người trung niên cần xét nghiệm sức khỏe thường xuyên?
Cần biết rằng, sức đề kháng và khả năng hấp thu dinh dưỡng ở những người độ tuổi trung niên đã suy giảm nên rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, loãng xương… hay nguy hiểm hơn là các bệnh ung thư.

Do đó, bắt đầu từ tuổi trung niên, bạn nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại, nếu có mầm bệnh sẽ dễ dàng phát hiện ngay từ đầu để điều trị kịp thời, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian chữa trị vừa ngăn ngừa bệnh tốt hơn.

Thêm vào đó, việc tiến hành các xét nghiệm và thăm khám khi đang mắc bệnh còn giúp bác sĩ chuyên khoa có định hướng được phương pháp điều trị và có những biện pháp khắc phục kịp lúc khi bệnh chuyển biến không tốt.

Công thức máu

Xét nghiệm công thức máu (huyết đồ) hay xét nghiệm huyết học thuộc danh sách các loại xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất, giúp bác sĩ có thêm những thông tin hữu ích về: hồng cầu (Các tế bào máu đỏ), bạch cầu (Các tế bào máu trắng), tiểu cầu (phụ trách nhiều chức năng, trong đó quan trọng là chức năng đông máu…), tỷ lệ của hồng cầu với thành phần huyết tương trong máu và tiểu cầu… Loại xét nghiệm này được thực hiện để đánh giá sức khỏe tổng thể, chẩn đoán bệnh hoặc theo dõi tình trạng bệnh lý cũng như quá trình điều trị của bệnh nhân.

Chức năng gan

Gan là cơ quan có nhiệm vụ chức năng lọc máu, bài tiết mật và chuyển hóa các dưỡng chất trong cơ thể nên trong điều kiện môi trường và điều kiện sống ô nhiễm như hiện nay, gan rất dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh. Vì vậy, xét nghiệm chức năng gan là việc vô cùng cần thiết giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời những biến chứng nguy hiểm như ung thư gan, xơ gan… cùng những bệnh lý gan thường gặp như: viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ, viêm gan do siêu vi hoặc do rượu bia…

Chức năng thận

Xét nghiệm chức năng thận giúp kiểm soát và ngăn ngừa những bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm vốn không có triệu chứng. Xét nghiệm này đặc biệt cần thiết với những người trung niên cao huyết áp lâu ngày vì nếu không được điều trị triệt để bệnh này sẽ dẫn đến biến chứng về thận.

Cholesterol cao thường không mang đến những biểu hiện cụ thể nhưng đây lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim – bệnh phổ biến nhất nhì ở tuổi trung niên. Vậy nên xét nghiệm cholesterol rất quan trọng trong việc giúp xác định nguy cơ xơ vữa động mạch, khả năng thu hẹp hoặc tắc động mạch, đồng thời xác định nguy cơ mắc bệnh tim ở người trung niên. Xét nghiệm cholesterol là một phần thuộc xét nghiệm lipid máu và theo khuyến cáo, người trung niên nên làm xét nghiệm kiểm tra lipid máu mỗi năm một lần.

Tổng phân tích nước tiểu

Loại xét nghiệm này thường được các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm ceton, bệnh viêm đường tiết niệu, đái tháo nhạt, bệnh gan, mật, thận, đái máu…

Xét nghiệm đường máu

Người trung niên khỏe mạnh cần xét nghiệm đường máu mỗi năm một lần. Trường hợp phát hiện thấy những triệu chứng khác lạ như thường khát nước, uống nhiều nước, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh và gia đình có người bị bệnh đái tháo đường, cần tiến hành xét nghiệm kiểm tra lượng đường máu càng sớm càng tốt vì đấy là những biểu hiện của bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm bệnh Gout

Bệnh Gout, nếu không được điều trị, có thể gây tổn thương khớp, phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế khớp bị hư hại trong những trường hợp nặng, thậm chí còn có thể gây tàn phế. Bệnh Gout thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người ngoài 30 tuổi. Nếu thấy triệu chứng đau và sưng quanh khớp, nhất là ngón chân cái, cơn đau diễn ra lúc có lúc không, báo hiệu bạn cần tiến hành xét nghiệm Gout ngay. Để xét nghiệm bệnh Gút, thường bạn sẽ phải trải qua, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu.

Xét nghiệm vitamin D

Hầu hết người trung niên đều bị thiếu vitamin D nên dễ bị loãng xương, gãy xương, thậm chí sa sút trí tuệ. Xét nghiệm Vitamin D là xét nghiệm xác định định lượng chất Vitamin D3 – dạng tồn tại chủ yếu của Vitamin D trong cơ thể người. Tương tự như các xét nghiệm khác, người trung niên thực hiện xét nghiệm vitamin D định kỳ 6 tháng/ lần

Nếu xét nghiệm cho thấy lượng vitamin D thấp, người trung niên có thể dùng chế phẩm bổ sung 0,01mg vitamin D mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cần bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D như dầu cá, trứng và ngũ cốc, sữa dành cho người già chứa nhiều vitamin D.

Xét nghiệm tuyến giáp

Từ độ tuổi 50 trở đi, tuyến giáp của phụ nữ có nguy cơ cao không thể sản xuất đủ hoóc-môn, kéo theo mệt mỏi, tăng cân và cảm giác trầm uất. Vì vậy, để biết tình trạng này có đang xảy ra không, một xét nghiệm máu đo nồng độ hoóc môn sẽ giúp mang đến câu trả lời chính xác nhất. Bạn sẽ được kiểm tra nồng độ hoóc môn tuyến giáp : (TSH) và thyroxin (T3, T4) trong máu. Nếu TSH cao, T4 thấp nghĩa là tuyết giáp của người trung niên đang hoạt động kém và cần được điều trị. Người trung niên cần tiến hành xét nghiệm máu hàng năm để theo dõi nồng độ hoóc-môn trong cơ thể.

Xét nghiệm B12

Vitamin B12 đóng vị trí quan trọng trong quá trình sản sinh hồng cầu khỏe mạnh, vận chuyển oxy đi đến tất cả các cơ quan, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của não. Nhưng bước vào tuổi trung niên, khả năng hấp thu vitamin B12 của cơ thể bị suy giảm rõ rệt, gây chán ăn, mệt mỏi, và đau đầu. Vì vậy, xét nghiệm B12 cũng là một loại xét nghiệm máu cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe tuổi 50.

Bí quyết giữ sức khỏe tuổi trung niên

Ngoài việc thường xuyên khám tổng quát và xét nghiệm sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, người trung niên cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và lối sống khoa học hằng ngày. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng của người trung niên cần:

Phối hợp cân đối các nhóm chất dinh dưỡng:
Mỗi bữa ăn gồm một chén cơm, chất đạm khoảng 100gr. Nên chọn đạm từ các loại thịt nạc ít mỡ như thịt gà, thịt heo nạc, thủy hải sản, trứng, đậu hủ … Chất bột đường nên chọn thực phẩm nguyên hạt có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt.
Rau, củ, quả khoảng 300 – 500gr mỗi ngày từ các loại rau có màu khác nhau như đỏ, vàng và xanh lá.
Bổ sung sữa dành cho người già có bổ sung các axit béo không no MUFA, PUFA giúp cải thiện cấu trúc mạch vành, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không bỏ bữa sáng, không ăn quá no vào buổi tối.
Không dùng nhiều muối, đường và nên hạn chế chất béo động vật.
Uống đủ nước mỗi ngày
Bên cạnh đó, người trung niên cần hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng cách đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe…

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy tập cho bản thân thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để luôn hiểu rõ sức khỏe chính mình, đồng thời kịp thời phát hiện và khắc phục ngay khi mới tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.

No Responses